Phòng, chống bệnh dại

20/01/2025
Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, vi rút chủ yếu tồn tại trên chó, mèo chưa được tiêm vắc xin phòng dại. Người thường bị mắc bệnh dại do bị chó mắc bệnh dại cắn, nếu không được điều trị kịp thời sẽ bị tử vong.
Theo thông tin của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và PTNT: Năm 2024, theo báo cáo của ngành Y tế, cả nước ghi nhận 86 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 33/63 tỉnh, nhiều hơn 04 trường hợp so với cùng kì năm 2023 (82 ca). Trong đó có Bình Thuận (10 ca), Gia Lai (08 ca), Nghệ An (08 ca), Đắk Lắk (07 ca), Bến Tre (05 ca). Bệnh Dại trên động vật: Từ đầu năm đến nay có 290 ổ dịch bệnh Dại trên động vật tại 36 tỉnh, thành phố với số động vật mắc bệnh là 390 con, số động vật chết và tiêu hủy là 671 con. Hiện nay, cả nước có 14 xã thuộc14 huyện của 11 tỉnh chưa qua 21 ngày. Số mắc bệnh là 14 con; tổng chết và tiêu hủy là 16 con. Kết quả Giám sát bệnh Dại trên động vật năm 2024: Qua công tác giám sát chủ động năm 2024 tại 106 tỉnh đã thực hiện 1.387 trường hợp điều tra; trong đó, lấy mẫu 104 động vật nghi mắc bệnh Dại để xét nghiệm và phát hiện 46 mẫu dương tính (chiếm 44,23%). Tình hình dịch bệnh Dại trên địa bàn thành phố Hà Nội: Lũy kế tính từ ngày 05/01/2024 đến ngày 31/12/2024, bệnh dại đã xảy ra 07 ổ dịch/07 xã của huyện Sóc Sơn (Minh Trí, Hồng Kỳ, Đức Hòa, Minh Phú, Hiền Ninh, Thanh Xuân và Bắc Sơn), tổng số động vật tiêu hủy là 41 con (trong đó có 40 con chó, mèo và 01 con trâu).
Theo báo cáo của UBND phường Ngô Quyền: trên địa bàn phường tại Tổ dân phố 8 đã xảy ra trường hợp 01 con chó nhà bị mắc dại cắn 04 người dân (chủ hộ cho biết trước đó chó nhà đã bị chó màu đen thả rông không rõ nguồn gốc cắn và bị ốm). Đến chiều tối ngày 17/1/2025 thì con chó đã chết, sáng 18/1/2024 cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Đến 16h cùng ngày, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương đã có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 399/CĐ-XN là Dương tính với vi rút Dại (01/01 mẫu của hộ Ông Kiều Vũ Thanh số nhà 1/550 Tổ dân phố 8 - phường Ngô Quyền). Đây là ổ dịch phức tạp do chưa xác định được nguồn gốc bệnh Dại (chó thả rông chưa rõ nguồn gốc, cũng chưa xác định được chó thả rông chạy từ đâu đến và trong suốt quá trình di chuyển, cũng chưa xác định chính xác số người và động vật nuôi đã tiếp xúc hoặc bị chó thả rông cắn (hiện quá trình điều tra, truy vết vẫn đang được triển khai thực hiện). Để chủ động phòng, chống bệnh Dại động vật, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của nhân dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn về cách phòng bệnh Dại động vật như sau:
Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, vi rút chủ yếu tồn tại trên chó, mèo chưa được tiêm vắc xin phòng dại. Người thường bị mắc bệnh dại do bị chó mắc bệnh dại cắn, nếu không được điều trị kịp thời sẽ bị tử vong.
I. Bệnh Dại lây lan như thế nào:
Khi động vật mắc bệnh Dại, cắn, cào, liếm vào người, vi rút từ nước bọt sẽ lây truyền qua niêm mạc da bị tổn thương khi:
- Chăm sóc súc, tiếp xúc động vật mắc bệnh Dại;
- Mổ thịt chó, mèo mắc bệnh Dại;
- Người làm ở phòng thí nghiệm về bệnh Dại, phòng khám khi tiếp xúc với động vật mắc Dại.
II. Quy định về quản lý chó, mèo nuôi để phòng bệnh Dại đối với chủ nuôi chó, mèo:
- Thực hiện đăng ký nuôi chó, mèo với UBND xã, phường.
- Nuôi nhốt chó trong khuôn viên gia đình; khi đưa chó ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt để đảm bảo an toàn cho người xung quanh; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường; Nuôi chó tập trung phải đảm bảo vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới người xung quanh;
- Chấp hành nghiêm việc tiêm bắt buộc vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định;
- Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của
pháp luật;
- Theo dõi vật nuôi, khi phát hiện có dấu hiệu bất thường, phải nhốt con vật đó để theo dõi và báo UBND xã, phường hoặc cơ quan Thú y nơi gần nhất, không được vận chuyển hoặc bán động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh Dại; khi động vật được xác định mắc bệnh Dại, chủ nuôi phải chấp hành tiêu hủy con vật, thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng nuôi, dụng cụ nuôi, phương tiện vận chuyển, môi trường, thức ăn, chất thải và các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh; xích, nhốt để theo dõi trong 14 ngày đối với động vật nghi mắc Dại, tiêm vắc xin Dại cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch; Bồi thường theo quy định, chi trả kinh phí lấy mẫu, xét nghiệm mẫu bệnh Dại theo quy định
III.Xử lý vi phạm hành về phòng, chống bệnh Dại:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a. Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;
b. Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. (Điều 2, Nghị định 04/2020/NĐ-CP; Điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP)
2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng; để vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng; chăn thả gia súc, gia cầm
trong chung cư (Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
4. Trường hợp chó nuôi tấn công gây tổn hại sức khỏe cho người khác thì chủ nuôi chó sẽ phải bồi thường thiệt hại theo Bộ luật Dân sự năm 2015.
IV. Khuyến cáo người dân
1. Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.
2. Khi bị chó, mèo cắn cần:
- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn Iod; có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng, các để rửa viết thương ngay sau khi bị cắn. Trong lúc rửa vết thương không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn.
- Kịp thời đến cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị. Thông báo với bác sĩ về tình trạng con vật cắn bạn và theo dõi con vật trong vòng 14 ngày kể từ ngày bị cắn /cào; trong 14 ngày theo dõi, nếu con vật có biểu hiện bất thường như ốm, chết, mất tích, bị giết…hãy đến ngay bác sĩ để tư vấn.
- Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, khi bị chó mèo cắn, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không hút thuốc, uống thuốc ức chế miễn dịch.
- Báo cáo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó, mèo bị dại; cách ly theo dõi động vật nghi dại. Mỗi chúng ta cần phát huy hơn nữa ý thức cá nhân cùng tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng và cùng cam kết thực hiện: Không nuôi chó, mèo mà không tiêm phòng dại; không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó, mèo thả rông; không để chó, mèo cắn người; không nuôi chó gây ô nhiễm môi trường

THÔNG BÁO

Video