Khuyến nghị sử dụng rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán và dịp Lễ hội Xuân năm 2025
Uống rượu, bia gây nhiều tác hại đến sức khoẻ con người, gia đình, cộng đồng, gây mất an toàn giao thông, mất trật tự và an toàn xã hội, gây thiệt hại về kinh tế và các vấn đề xã hội khác. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh. Một số bệnh và thương tích chính do uống rượu bia gây ra, gồm:
Ung thư: Rượu, bia có nguy cơ cao gây ung thư tương tự như thuốc lá, amiang hay bức xạ ion hóa. Uống rượu, bia là nguyên nhân liên quan trực tiếp tới ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại - trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.
Bệnh tim mạch: Rượu, bia làm tăng nguy cơ gây ra các bệnh lý như đột quy, suy tim, tăng huyết áp và phình động mạch chủ.
Bệnh hệ tiêu hóa: Rượu, bia gây tổn thương gan (gan nhiễm mỡ do rượu, viêm gan cấp do rượu...), xơ gan, làm trầm trọng các tổn thương do vi rút viêm gan C và B, viêm tụy cấp tính và mạn tính, các bệnh lý tại thực quản, dạ dày,...
Rối loạn tâm thần: làm suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy, lo âu, trầm cảm, loạn thần, kích động, tự sát...
Các rối loạn và bệnh lý khác: Rượu, bia gây lão hóa sớm, suy giảm miễn dịch, hội chứng nhiễm độc rượu ở bào thai, trẻ đẻ ra nhẹ cân.
Thương tích: Uống rượu, bia là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và gây thương tích không chủ ý và cố ý khác.
Các vấn đề về xã hội: Rượu, bia ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ gia đình, giảm hoặc mất khả năng làm việc, mất việc làm, bạo lực, quan hệ tình dục không an toàn, các vấn đề liên quan đến pháp luật...
Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật và tai nạn nguy hiểm, Trung tâm Y tế Sơn Tây khuyến cáo người dân không lạm dụng rượu bia. Đồng thời không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia. Dưới đây là một số khuyến nghị sử dụng rượu bia trong dịp Tết Nguyên Đán và Lễ Hội Xuân năm 2025:
- Tuân thủ thực hiện tốt các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
- Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống: không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần.
- Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
- Không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,... Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.
- Chỉ uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
(Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).